Chủ trương “VietGAP hóa” cây bưởi da xanh và cây dừa xiêm, huyện Hoài Ân đã thành công trong việc phát huy ưu thế, giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.
Hoài Ân có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp cho phát triển cây bưởi da xanh và dừa xiêm. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, toàn huyện có 500 ha diện tích trồng dừa, 300 ha diện tích trồng bưởi da xanh, trong đó 100 ha đang cho thu hoạch năng suất 4 – 6 tấn/ha. Tuy nhiên, người dân canh tác theo tập quán từ xưa, chưa chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất, chất lượng không ổn định.
Bưởi da xanh và dừa xiêm Hoài Ân được HTXNN Thanh Niên Hoài Ân giới thiệu tại một sự kiện giới thiệu sản phẩm KH&CN tổ chức ở TP Quy Nhơn.
Xác định đây là những cây trồng chủ lực, Hoài Ân đã xây dựng dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất cây bưởi da xanh và cây dừa xiêm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) ở huyện Hoài Ân” trên diện tích 70 ha tại các xã Ân Thạnh, Ân Tín. Mục tiêu là xây dựng vùng trồng thâm canh cây bưởi da xanh và dừa xiêm theo hướng VietGAP, mở rộng phát triển những vùng trồng mới và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã xây dựng vùng thâm canh cây bưởi, dừa xiêm rộng 10 ha và một số diện tích trồng mới khoảng 7 ha. Hiệu quả bước đầu mang lại rất khả quan.
Tham gia dự án trồng bưởi da xanh, ông Tăng Doãn Kích (thôn An Thường, xã Ân Thạnh) so sánh: “Trước đây, trên diện tích 0,5 ha chỉ đạt năng suất 2 tấn quả; giờ trồng tiêu chuẩn VietGAP thu hoạch vụ đầu đã đạt 6 tấn quả, thu nhập khoảng 180 triệu đồng, cao gấp 3 lần. Trồng đúng theo chuẩn VietGAP, trái bưởi to, tròn đều, từ 1,5 – 2 kg/quả. Khách hàng nghe tiếng tìm đến tận vườn mua”. Còn ông Lê Công Tải (thôn Năng An, xã Ân Tín) vui lắm, bởi “hồi nào tới giờ trồng dừa có biết tưới nước, bón phân đâu; nay trồng theo VietGAP cho năng suất cao hơn, trái to, nước ngọt hơn. Với 2 ha dừa xiêm, tôi kiếm được hơn 100 triệu đồng/năm”.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Chúng tôi còn xây dựng quy trình thâm canh và quy trình trồng mới cho cây bưởi da xanh và cây dừa xiêm theo hướng VietGAP. Cây trồng phải đúng quy trình kỹ thuật áp dụng VietGAP; bón phân vô cơ, phân chuồng hoai mục với hàm lượng phù hợp từng giai đoạn phát triển của cây; giống cây được chọn lọc đạt chuẩn. Ngay nguồn nước tưới cũng được kiểm soát không bị nhiễm phèn, mặn. Quan trọng hơn hết, dự án đã giúp thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người dân và tạo hiệu ứng tốt về trồng cây ăn quả sạch, an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, nhấn mạnh: “Chứng nhận VietGAP là tiêu chí và được xem là giấy thông hành cho các sản phẩm nông nghiệp khi muốn tiêu thụ trên thị trường. Vì thế, chúng tôi quyết tâm làm VietGAP”. Đến nay, bưởi da xanh Hoài Ân đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân”.
Ngoài áp dụng công nghệ vào trồng và chăm sóc cây, dự án còn chú trọng đến việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết giữa DN – chính quyền địa phương – nông dân trong sản xuất, thu hoạch, thu mua và tiêu thụ hai loại trái cây dừa xiêm, bưởi da xanh. Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân đã ký hợp đồng với HTXNN Thanh Niên Hoài Ân để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của dự án.
Tuy vậy, đến nay diện tích trồng mới cây dừa xiêm và bưởi trong dự án vẫn còn nhỏ, chỉ khoảng 20% trong tổng số 70 ha của dự án. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DN và người dân chưa được triển khai.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hòa thông tin, thành công từ các mô hình thâm canh sẽ giúp huyện và người dân mạnh dạn đầu tư vào các diện tích trồng mới trong thời gian tới. Còn ông Phan Châu Hiệu, Giám đốc HTXNN Thanh Niên Hoài Ân, cho hay: “Chúng tôi đang lên kế hoạch cung ứng cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị ở Quy Nhơn và Đà Nẵng. Trong tháng 4 tới, HTX ký hợp đồng bao tiêu thu mua sản phẩm với từng hộ dân”.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ